
Khi bạn dần thuộc về thiểu số, không khó để nhận ra điều đó, những quảng cáo mà bạn xem càng ngày càng có ít sự liên hệ với con người, cá tính, sở thích, hành vi của bạn.
Từ bao giờ mà tiêu chuẩn cái đẹp trong quảng cáo biến đổi?
Không ai có thể trả lời chính xác về khoảnh khắc ấy, nhưng một vài số liệu có thể hữu ích trong việc lý giải tốt “tại sao” hơn là “khi nào”. Chẳng hạn, từ dữ liệu từ trung tâm thống kê y tế Hoa Kỳ:
– Toàn nước Mỹ có 41.9% dân số trưởng thành thuộc diện béo phì.
– Đương kim vô địch với 49.9% là người da màu.
– Người Tây Ban Nha có tỉ lệ thấp hơn chút với 45.6%.
– Người da trắng trưởng thành tại Mỹ giữ tỉ lệ ở mức 41.4%.
– Riêng người trưởng thành châu Á chỉ có 16.1% dính dáng đến các vấn đề liên quan đến cân nặng.
– Nông thôn thì có tỉ lệ béo phì tăng cao hơn so với thành thị hay vùng ngoại ô.
Mà béo phì thì không chỉ là vấn đề đơn thuần về sức khỏe, nó liên quan trực tiếp đến lối sống, cách ăn mặc, cấu trúc văn hóa xã hội, chất lượng cuộc sống, và hàng trăm thứ khác cần được thiết kế lại để vừa vặn với thể hình của người thừa cân. Quảng cáo, với tư cách là chất kết nối giữa các giá trị xã hội, đương nhiên không thể nằm ngoài tầm ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng thừa năng lượng (lẫn khối lượng) cơ thể.
Ngành quảng cáo hiểu rằng đã gọi là khủng hoảng thì chắc chắn biên giới không dừng ở Mỹ. Theo WHO, hơn 1 tỷ người trên thế giới đang quá cân, 650 triệu là người trưởng thành, 340 triệu thanh thiếu niên và 39 triệu trẻ em. Đồng nghĩa cứ 1 trên 5 phụ nữ và 1/7 đàn ông bạn gặp sẽ có 1 người béo phì. Con số này vẫn không ngừng gia tăng theo thời gian.
Nếu coi Mỹ như một môi trường chuẩn để nuôi cấy, phát triển, thử nghiệm mọi tư tưởng trên đời 1 cách “tự do”, rõ ràng, đang có 1 sự chuyển giao âm thầm giữa 2 nhóm người: người quá cân và những người còn lại. Kẻ nào đứng ngoài hay chậm chân trong quá trình chuyển giao sẽ được coi như những người ngoại đạo và sớm bị loại trừ trong tân thế giới, nơi chỉ tồn tại những người ngoại cỡ only?
Nếu BMI của bạn dưới 30 và bạn thấy tức cười khi nhìn vào 1 quảng cáo, hãy ý thức mình đang ở trong nhóm thiểu số tương lai. Có thể bạn sẽ sớm ở lại bảo tàng với tư cách nhân chứng lịch sử, nơi người gầy từng nhiều hơn người quá khổ, hoặc sẽ đặt chân vào nhóm đa số nơi mọi thứ được thiết kế theo dáng tròn với kích cỡ tăng x3 theo chiều ngang.
Dù hướng nào, mong các bạn bảo trọng với quyết định của mình.
Để lại một bình luận