Thất nghiệp và thiếu việc ở ngành tâm lý

Sớm mờ sương, ông mặt giời vẫn còn co ro 2 chân trong chăn thì ông đồng nghiệp cách nửa vòng trái đất đã gửi cái bảng này và giã “ông nghĩ sao?”

Hỏi suy nghĩ của một người trong cơn mộng mị, đặc biệt là khi tỉnh táo người đấy hiếm khi dùng trí tuệ của mình vào những thứ mang tính vĩ mô, dĩ nhiên tôi nghĩ ông bạn là thằng ngốc chứ sao nữa. Nhưng vì câu hỏi của ông khá thú vị nên tôi nghĩ mọi người xứng đáng được nghe qua 1 lần.

“Tính chất giáo dục để theo đuổi mục tiêu nghề nghiệp có giống nhau ở mọi nơi, giả sử như ở Việt Nam có tương đương ở Mỹ không? Nếu không cần đào tạo vẫn làm được nghề thì đào tạo giải quyết vấn đề gì?”

Ơ kìa, hỏi nghĩa là đã trả lời, giáo dục từ trước đến nay chưa từng thực sự phản ánh chính xác câu chuyện của thời đại. Hãy xem 100 năm qua thế giới đã biến đổi thế nào với những kiến thức chúng ta tin là đúng nhưng thực tế lại là sai?

Thử bắt đầu bằng ngành Phrenology (Craniology – ngành não học), với những chuyên gia được kính trọng trong suốt vài trăm năm khi đưa ra những hiểu biết dựa trên kích cỡ đầu mà phán đoán trí khôn, các chuyên gia ngành này chỉ bị thất sủng khi các chuyên gia của ngành thần kinh học (neurologist) chứng minh là ngụy khoa học. Tầm này nếu các chuyên gia còn sống thì chắc cũng bị coi như báu vật mà đem chôn bởi các hội nhóm lung-tung-quyền.

Hoặc một ngành nghề khác như điện tín viên (telegraphist), người chuyên dùng kỹ năng mã hóa – giải mã của bản thân để gửi thông tin qua lại bằng radio, nghề này ngay lập tức biến mất khi công nghệ điện báo trở nên lỗi thời. Tương tự với các nhóm nghề kỹ sư ra lệnh Ai, người rì viu dạo facebooker, chuyên gia thẩm định ẩm thực tiktok, tư vấn ăn mặc trên Ig… Nền tảng đi thì người cũng khó ở lại.

Tất cả những sự đào tạo, giáo dục nói chung không bao giờ hoàn toàn hướng đến tương lai mà luôn có khuynh hướng lặp lại những hiểu biết của quá khứ tính tới thời điểm hiện tại. Việc đi học với người tham gia là một vụ đánh cược, họ cược rằng trong tương lai, công việc của họ sẽ được đảm bảo bằng kiến thức thu nhận được tính từ lúc bắt đầu học đến khi nhận bằng. Nếu họ ước lượng chuẩn xác, thị trường cởi mở, cung cầu gặp nhau, họ sẽ có một cuộc sống sung túc, viên mãn, ăn sóng uống gió, lồi mồm toác mỏ. Ngược lại, nếu họ tính sai, thì họ ngồi ăn cùng với thầy Huān de Rosé.

Nhưng giả sử, nếu ai đó đi học mà chỉ ưu ái nhìn vào những số liệu của những kẻ sống sót, những người mạnh mẽ nhất có thể tồn tại trong ngành: Kiểu vào học lịch sử sau thành Noah Harari, ngày đi dạy, tối gõ phím 10 ngón sắp xếp lại lịch sử loài người. Hay học thiết kế đồ họa sẽ… bạn tôi, chủ doanh nghiệp, đẹp trai, thông minh, m71, tiền mặt thì top mà tiền đình thì bot, nhà nuôi 2 chó to nên không thất tình dù độc toàn thân. Sớm muộn gì, việc nhìn vào ưu thế kẻ chiến thắng sẽ sớm phản ảnh bằng tỉ lệ đào tạo – thất nghiệp và thiếu việc làm không chỉ ở Việt Nam, Mỹ mà còn ở khắp nơi trên thế giới. Mà thậm chí, không bị giới hạn bởi bất kỳ lĩnh vực nào.

Ở Việt Nam, chỉ riêng với ngành tâm lý, số liệu tính tay thì 15 trẹo người có rối loạn tinh thần, không tin xin mời gúc. Nghĩa là nếu 15 người có rối loạn tâm thần được chăm sóc bởi 1 nhà tâm lý, thì con số lượng nhà tâm lý cần có ở Việt Nam là 1 trẹo ông người. Con số khổng lồ này chỉ là tính nhanh, vì chả có nhà nào con em, người thân rối loạn tinh thần mà không bị căng thẳng, lo lắng, trầm uất theo. Nếu ở điều kiện hoàn hảo, 1 nhà tâm lý chăm 15 người chia 5 ngày 1 tuần thì đúng 1 ngày 3 ca làm không hết việc, chẳng thể nghiên cứu, nâng cao chuyên môn gì thêm.

Nhưng sự thật thì thế nào, số liệu bà hàng nước ở trường X kể tôi là 99% sinh viên tốt nghiệp ngành nào thì sẽ không theo ngành đó. Không theo được ngành đồng nghĩa là thất nghiệp, mà theo được ngành không được tri trả tương xứng thì coi như thiếu việc làm. ThS, Tiến sỹ trong ngành mà thu nhập thua anh em công nhân bên tôi, dù nhu cầu xã hội cực cao, thì hẳn là lỗi thuộc về… những vì sao.

Thế nên tương lai của ngành nghề không thể chỉ dựa vào số liệu thống kê để mà đoán được, điều đó chỉ có lợi cho người kinh doanh giáo dục thôi. Ở Trung Quốc, vì tin vào thống kê rằng 1 số nghề không thể dẹo nên số lượng giáo viên dư thừa lên đến 2 trẹo người. Tỉ lệ sinh không phải là con số tự dưng giảm mà có thể thấy trước ít nhất chục năm, biết trước chục năm mà vẫn chọn ngành vì tin vào sự may mắn và tài năng của mình thì sao không thử vận may vào 18h30 cho nhanh?

Vậy nên, chọn ngành chọn nghề nói chung KHÔNG, xin nhắc lại, bôi đen tô đậm, gạch chân vì mình không thể nhấn mạnh được hơn thế, KHÔNG phải là chọn sự nghiệp tương lai sau này mà trên thực tế nhằm vào 2 thứ:

– học kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, đặc biệt là làm việc nhóm, sau có gì tiện chuyển sang công việc khác không gặp quá nhiều khó khăn.

– Kết nối những mối quan hệ cần thiết, quan trọng ở những ngành gần trong quá trình học, tìm kiếm cơ hội sớm bằng cách giao tiếp với những người có kinh nghiệm và tầm nhìn thực tế hơn mình.

Còn kiến thức chưa học đã lỗi thời từ 80 kiếp trên con đường sự nghiệp thì đừng hỏi tại sao biết trước kết quả all in vào đề mà lại về lô nhé các bạn.


Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Thông tin tác giả


Tìm kiếm


Danh mục