Phản luật vũ trụ (Anti-manifest)

Đang lúc hít hà hương cafe Esmeralda Geisha 601 sau bữa điểm tâm đạm bạc bên đường, lão phu chợt nghe giọng oanh tạc của một bà mẹ trẻ như muốn giảng cho cả huyện cùng nghe:

– Mày thấy chưa con, nhờ có mẹ khấn thì mày mới may mắn qua kỳ kiểm tra sát hạch. Có thờ có thiêng có kiêng có lành con ạ.

 Bản tính thì hiền lành nhưng lại tu hạnh cà khịa, lão phu quay sang bảo:

– Chị khấn tốt thế thì sao không khấn cho cháu được tuyển thẳng cho đỡ vất vả, học hành làm gì lại phải mất công thi trong khi chỉ cần mẹ ở nhà khấn là đủ?

Cháu bé ngay lập tức đứng phắt dậy, mắng thẳng mặt lão phu:

– Chú để yên cho mẹ cháu manifest, không về mẹ lại mắng cháu bây giờ.

Okie, lại là manifest, nhân lúc ngồi trên tàu mấy giờ đồng hồ, mình gõ đôi dòng về căn nguyên, gốc gác và việc chống lại luật vũ trụ.

I. Khởi nguồn Luật vũ trụ – lực hấp dẫn – tư duy mới

Vào những năm 1800, Ralph W.Emerson – nhà thơ không phóng Ếch xai tơ, khởi xướng 1 chủ nghĩa siêu nghiệm. Tóm tắt tiếng Nôm thì đồng chí này cho rằng sự giao tiếp của cá nhân với Chúa nên được bảo mật 2 chiều, cấm tuyệt đối bên thứ 3 như nhà thời, Giáo hội Công giáo tham gia vào. Lý do? Mỗi người bên trong đều có một tia sáng thiêng liêng mà được biểu hiện bằng những trạng thái tâm trí nhất định.

Mới nghe thôi đã thấy thật là thích rồi, nhưng đó mới chỉ là khởi đầu, Mary B.Eddy vào năm 1890, với nhánh Khoa học Kito Giáo cho rằng một tâm trí có những suy nghĩ và niềm tin đúng đắn có thể thu hút sức mạnh thần thánh để loại bỏ bệnh tật. Lối lý luận này phát triển hơn nữa với quan điểm: một tập hợp niềm tin và sức mạnh tư tưởng có thể ảnh hưởng đến thế giới vật chất bên ngoài bản thân. Đặc trưng của kiểu suy nghĩ này là thành công sẽ dẫn đến thành công – thất bại sẽ dẫn đến thất bại. Chúng hay được biết với cái tên là Tư tưởng mới (New Thought)

P.Mulford, ban đầu là diễn viên hài, thợ đào vàng trước khi chuyển sang làm nhà văn, có một cuốn sách tên Thoughts Are Things (suy nghĩ là sự vật), trong đó có trích:

“Khi lo sợ một điều không may, hay sống trong một nỗi sợ hãi bất kỳ điều xấu nào, hoặc mong chờ điều xui xẻo, chúng ta cũng tạo ra một cấu trúc của yếu tố và suy nghĩ vô hình, mà theo cùng một luật hấp dẫn, sẽ mang đến sự hủy diệt và tổn thương cho bạn”

II. Sự phát triển

Trào lưu này kéo theo hàng trăm tập sách, hàng nghìn bài báo về tư duy thành công được xuất bản sau đó. Có một đặc điểm quan trọng cần lưu ý là: càng tiến gần đến thực tại, yếu tố tôn giáo, tâm linh, tín ngưỡng càng bị loại trừ dần đi. Cuốn sách tiêu biểu nhất đánh dấu sự loại trừ này có lẽ là Khoa học làm giàu của W.Wattles (1910) khi miêu tả mỗi con ngươi đều có sức mạnh thần thánh, có thể tương thông vũ trụ để mở ra mọi cánh cửa: từ két sắt nhà băng, cửa gỗ, cửa sắt, cửa cuốn đến cửa kéo, cửa nhà người ta, cửa mình.

Trích:

“Có một chất liệu tư duy mà từ đó mọi vật được tạo ra, ở trạng thái ban đầu, nó thấm nhuần, thâm nhập và lấp đầy các không gian giao thoa của vũ trụ. Với chất liệu này, một suy nghĩ tạo ra vật theo hình dung. Con người hình thành sự vật qua suy nghĩ, bằng cách in dấu suy nghĩ lên chất vô hình, con người khiến vật mình nghĩ được tạo ra… Để nghĩ đến sức khỏe khi bị bao quanh bởi tật bệnh, giàu có khi giữa cảnh nghèo khó, đòi hỏi phải có sức mạnh; người sở hữu sức mạnh được gọi là Người chủ tâm – kẻ chiến thắng số phận, người có được những gì mà anh ta muốn”.

Chưa đầy 9 năm sau, vào năm 1919, kiểu tư duy này được tiến hóa thêm 1 cấp nữa với cuốn “Trí tuệ sáng tạo và thành công” của E.Holmes, tác giả nhấn mạnh người thành công là phải biết loại bỏ toàn bộ suy nghĩ về thất bại, đặc biệt trong kinh doanh:

Trích:

“Doanh nhân thành đạt luôn phải suy nghĩ về hạnh phúc, điều tạo ra sự vui vẻ thay vì trầm uất, anh ta phải lan tỏa niềm vui, hy vọng và sự mong đợi… Dù người khác nói gì, hiện tại bạn đã thành công và không gì có thể cản trở bạn hoàn thành mục tiêu của mình”.

III. Thay hình đổi dạng

Sau 1920, một loạt sách truyền cảm hứng làm giàu ra đời với cùng 1 kiểu tư duy tích cực, truyền cảm hứng, truyền động lực, truyền công lực, truyền may mắn. Điểm qua có một loạt sách vẫn còn sống đến giờ:

– Nghĩ giàu làm giàu, N.Hills (1937)

– Sức mạnh tư duy tích cực, N.V.Peale (1952)

– Quy luật động của thịnh vượng, C.Ponder (1962)

– 7 quy luật tâm linh của thành công, D.Chopra (1995)

– Bí mật, R.Byrne (2007)

Sự thay đổi hình dạng dưới góc nhìn đại chung được biết dưới rất nhiều kiểu tên khác nhau, nhưng kiểu nào thì kiểu, chúng đều chung một sự lặp lại y chang những gì đã từng được xuất bản cách đây hơn 1 thế kỷ trước, thế mới tài.

Dở hơi là sau 100 năm len lỏi vào từng ngóc ngách tại các thành phố lớn, tư duy mới, luật hấp dẫn, luật vũ trụ hay giờ đây là manifest được xem như một lối tư duy lành mạnh, hợp lý, có tính chiến lược, thúc đẩy cá nhân hướng đến mục tiêu và khiến cả vũ trụ giúp bạn đạt được điều đó.

IV. Và anti-manifest

Luật hấp dẫn hay manifest có tốt không? Dĩ nhiên là nó có giá trị nhất định với những con người nhất định, nó chỉ không tốt nếu các bằng hữu là người tính thực tế, ưa thực chất, thích quá trình, và coi kết quả như một yếu tố tất yếu trong sự tiến triển nói chung. Manifest không thể thay thế cho mọi yếu tố, cố gắng, nỗ lực, chăm chút, chỉn chu, cẩn thận từng li từng tí trong nhiều ngày để có được 1 thành công nhất thời. Top 500 tập đoàn lớn nhất Mỹ, top 0.1% giàu nhất thế giới, top Elites và có lẽ còn nhiều top khác (chỉ trừ top top)… không có bất kỳ cơ chế nào để vận hành hay khuếch đại manifest, chắc cái này trùng hợp quá!

Còn nếu hảo hán, tiểu thư là ưa thích phép màu cùng trí tưởng tượng phóng khoáng vô hạn, ngày vẫn đọc truyện tranh, tối mong có vương tôn, quý tộc công chúa phóng bạch mã chìa tay ra kéo mình khỏi vũng lầy hôi rình vẫn quen gọi là nhà, thì hẳn manifest là đáp án chính xác. Nếu có cái gì đó chưa đạt được, hẳn là do manifest chưa đủ.

– Mất cái xe máy vì bỏ Bồ Đào Nha do quá yêu Cộng Hòa Séc, việc cần làm là xé tờ giấy viết 33 lần xe ơi về đây với anh, kết quả là sắm ngay được xe mới sau thưởng Tết năm 2030.

– Thất nghiệp 5 năm, thực hành manifest bằng cách viết 55 lần trong 5 ngày: tổ chức cán bộ tập đoàn EVN mời về làm giám đốc chi nhánh. Được vũ trụ đáp lời bằng việc cử chị hàng xóm qua nhờ lắp cái bóng điện.

– Muốn lấy chồng giàu làm dâu hào môn, niệm 7749 lần Cao Phú Soái nhìn 1 lần sẽ không thoát khỏi tay bà, kết quả là lấy được tấm chồng cả nhà đều dầu, nhiều nhất ở mặt.

Sự tai hại của manifest là giảm động lực phân tích thực tế, tăng cường những suy nghĩ viển vông rồi sau đấy hợp lý hóa kết quả theo hướng mình được cưng chiều bởi cả vũ trụ. Dưới góc nhìn chuyên môn của lão phu, nó là sự thoái hóa chức năng từ giai đoạn ấu thơ, khi làm gì cũng được, nghĩ gì cũng xong, cần thì xin bố mẹ lo cho hết. Nhưng tuổi thơ làm gì kéo dài mãi được, rồi sẽ phải đến lúc lớn, cơ chế xin cho bị loại bỏ, nhường chỗ cho cơ chế tự túc. Cá nhân nào không thích ứng được thì tự huyễn hoặc bản thân bằng một hình thức bù trừ có tính thay thế. Đúng nguyên tắc: cứ ai giỏi hơn, thì mình hỏi họ – cứ cái gì không có, thì mình xin; để sống được như này chắc cũng coi là 1 hạnh.

Nhưng mà để làm gì? Khi nỗ lực trong tay mình, kết quả mình đạt được, những việc mình cần làm cuối cùng lại do một đấng trên cao nào đó sắp đặt chỉ do mình kêu? Nếu mọi thứ dễ như thế, xin kính mời quý anh quý chị hợp nhau lại mở hẳn dịch vụ manifest thuê để thành công tăng theo cấp số nhân, chẳng phải như thế sẽ hiệu quả gấp trăm ngàn lần, hay sao? Hoặc nếu chỉ cần biết ơn là đủ thì mình có kết quả nào cũng xong, cần gì đến manifest nữa?

Mà đã manifest rồi còn tôn vinh đi chữa lành, tham quá, 1 trong 2 thôi chứ?! Người đang lành, xin đừng tôn.


Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Thông tin tác giả


Tìm kiếm


Danh mục