
Sáng vừa mới mở mắt, còn chưa kịp oánh răng đã nghe loáng thoáng tiếng hàng xóm cằn nhằn về việc mừng tuổi đến hơn 10 triệu chỉ trong ngày đầu năm mới. 10 triệu, với 1 người bình thường, có thể là toàn bộ tiền bạc gia đình tích cóp được một cách chắt chiu trong suốt 1 tháng; Người ta sốc vì con số ấy bốc hơi trong 1 ngày.
Không còn bất kỳ ý niệm nào của sự chúc phúc hay ca tụng, những gì mà người hàng xóm ấy có thể làm bây giờ là hét lên với cả nhà, với vợ, với cả những đứa con về chuyện mình đã mất mát nhiều thế nào. Và giờ là lúc đòi lại con số đã mất ấy bằng tối hậu thư: sau Tết, đưa tiền cho bố mẹ “giữ hộ”. Đứa con, dĩ nhiên là không đồng ý để bố mẹ tịch thu một lời chúc bằng hiện vật mà chúng đã được nhận. Mồng 2 Tết nhà bên đã kết thúc trong ấm ức và sự tức giận của tất cả mọi người.
Tiền bạc, cũng như tình dục, là những cấm kỵ xã hội cơ bản. Nếu một đứa trẻ dưới 15 không được tiếp xúc tự do với các phương tiện truyền thông đăng tải nội dung 16++ thì với tiền, dĩ nhiên chúng không nên có quyền tự do như vậy.
Khó khăn nảy sinh khi không ai kịp chuẩn bị để biết khi nào là hợp lý để giáo dục trẻ em về ý nghĩa của những hành động có yếu tố vật chất đi kèm. Tiền bạc trong thời điểm Tết có quá nhiều vai trò: nó vừa xuất hiện như một đơn vị thể hiện lời chúc, vừa hứa hẹn những niềm vui có thể mua được trong và sau Tết; vừa thể hiện sự trân trọng người nhận, nhưng cũng đồng thời như một công cụ để đánh giá người cho… Trong khá nhiều hoàn cảnh, người lớn tự đặt họ vào tình thế khó xử khi mang trẻ con làm thước đo sự chân tình.
Dường như, việc trẻ nhận tiền, dù là tiền phúc, cũng đã vượt ngoài khuôn khổ của sự lao động thông thường. Trẻ chỉ cần hiện diện, cao cấp hơn là biết một vài câu chúc, một chút nịnh nọt là tiền lì xì chật cứng túi, ví. Số tiền dù không bất tận nhưng cũng đủ vượt ngoài nhu cầu thường nhật của một đứa trẻ. Tâm lý thụ hưởng dần hình thành, những nhu cầu hay bất mãn liên quan đến tài chính bám rễ và lớn nhanh như thổi. Sự ám ảnh vật chất – tiền bạc bắt nguồn từ 1 sự kiện thường niên dần biến thành cơn khát không thể xoa dịu.
Không có điều gì mang lại gánh nặng và bất hạnh cho cả người cho lẫn người nhận mà lại có thể nhân danh lời chúc cả. Khi chúng ta tương tác với trẻ em, dù thân thuộc hay xa lạ, không bao giờ ta lại muốn tổn hại chúng dưới bất kỳ hình thức nào; sự cẩn trọng của những người trưởng thành nên được ý thức ở mức cao nhất.
Có lẽ, đã đến lúc chúng ta nên tư duy về việc mừng tuổi cho người trẻ thứ gì đó tốt hơn tiền.
Để lại một bình luận