Hiểu con – nhiệm vụ bất khả thi

Một giả định phổ biến của các bạn mình khi miêu tả về con luôn là: ui, mình hiểu cháu lắm!

Nói kỹ hơn: mình nắm trong tay đủ mọi lịch trình sinh hoạt, đường đi, lối về, chơi với ai, làm gì ở đâu, khi nào, cường độ mạnh nhẹ ra sao vì mình ngoài gắn bọ, hỏi cô, cho người theo dõi còn tìm tòi kỹ, rất kỹ mạng xã hội của con luôn!!! Từ xọp pe đến threads, từ Ig đến Steam. Một khi mình mà muốn tìm thì có là cây kim chìm xuống rãnh Mariana, mình cũng mò ra được.

Rất hay, rất thú vị, cho đến khi mình khẽ giơ tay hỏi nhỏ 1 câu:

“Giả như con muốn có một cái áo màu đỏ hay một đôi giày màu xanh, làm thế nào mình biết được lựa chọn của mình là chính xác màu con thích hay là một lựa chọn do mình đang áp đặt lên?

Bạn mình ngẫm nghĩ tí xong tặc lưỡi rồi… chuyển chủ đề.

Dĩ nhiên, về mặt lý luận, không có cách nào để hiểu chính xác về một người. Mọi hình thức cố gắng, nỗ lực để hiểu đều sẽ kéo những thứ chưa biết, được nghe kể về một thứ đã biết. Như việc mình nghe con kể nay con thích một bạn, mình sẽ kéo ngay về những trải nghiệm mình từng có trong quá khứ như một hình thức liên hệ còn những điều thực sự diễn ra sẽ nhanh chóng bị bỏ qua. Mình không thích người bạn ấy của con như cách mà con thích, vĩnh viễn không có cách nào để mình hiểu được, kể cả khi con kể về người bạn ấy cả 1000 lần.

Ngay cả khi ai đó là một chuyên gia, một nhà giáo dục, chỉ cần thở ra một câu: tôi hiểu trẻ, tôi hiểu thế hệ Gen Z, Gen Alpha cho đến tận Gen Omega 3 6 9… Mình chỉ dám nhận xét rằng đấy là một ảo tưởng, một sự giả lập, bắt chước hoặc đồng bộ (assimilate). Bằng cách tưởng tượng cá nhân là một đứa trẻ, cá nhân nhầm lẫn cảm giác và sự phán đoán chủ quan là những gì đang diễn ra trong thực tế, mà rất dễ để kiểm chứng rằng thực tế này chỉ giống một ảo tưởng, không hơn không kém.

Nhà tâm lý hay bác sỹ tâm thần cũng sẽ không ngoại lệ. Mình cũng thừa nhận luôn, câu liều lĩnh nhất mà mình có thể khẳng định đó là: đôi khi, mình có thể hiểu đối tượng X hơn chính đối tượng đấy. Nếu chỉ đôi khi mới nhìn thấy được tí ti, thì làm gì có ý nghĩa lớn lao nào đó trong tổng thể. Chính vì đa phần chẳng hiểu gì về người ngồi trước mặt, mình mới có động cơ để lắng nghe thật cẩn thận trước khi đi đến phản hồi.

Nếu việc hiểu trẻ, hay bất kỳ ai khác trên đời, là bất khả thi, vậy thì chúng mình có thể làm gì? Điều duy nhất có ý nghĩa mà chúng ta, những người trưởng thành: được tương tác, tiếp xúc, giáo dục và chăm sóc trẻ, có thể làm đó là thừa nhận mình chẳng biết gì nhiều, nhưng mình sẵn lòng dành thời gian để học cũng như “loay hoay” cùng trẻ. 1 người loay hoay sẽ có cảm giác mắc kẹt trong cô đơn, nhưng 2 người thì sẽ trở thành 1 nhóm để cuộc phiêu lưu có cơ hội được khám phá, ngắm nhìn nhiều hơn trong thế giới này, kể cả khi đấy là thế giới của nội tâm.

Mà, cũng chẳng cần phải thấu hiểu vô cùng mới có thể làm được điều gì đó đúng đắn, sự chăm sóc hay quan tâm, đôi khi có thể xuất hiện giản dị như một lời rủ đi ăn cùng nhau là đủ.


Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Thông tin tác giả


Tìm kiếm


Danh mục