
Với giả định về một nhận thức không giới hạn, con người chứng minh tiên đề đấy một cách thành công qua việc phát triển vô hạn cơ chế “giúp” tiết chế năng lực nhận thức bằng cách đơn giản hóa tối đa thế giới mình tương tác. Trong kỷ nguyên của các dạng máy học, tầm nhìn của một cá nhân bị ảnh hưởng, che mờ và khuếch đại bởi chính cá nhân ấy gây ra các thiên kiến sai lầm đôi khi đi ngược lại với hiện thực.
Cũng chính thời điểm này, các chuyên gia mạng, nhóm người được xem là tinh thông mọi thứ trên đời ngoài giới hạn của bản thân mình, được sản sinh và nhân bản như nấm sau mưa.
Năm 1999, David Dunning and Justin Kruger, 2 nhà tâm lý xã hội, đã lần đầu trình bày về: “sự bất tài nhưng không nhận thức được: những khó khăn trong việc nhận ra sự kém cỏi của bản thân có thể dẫn đến việc tự đánh giá quá cao” để trình bày về những người làm kém nhưng lại có xu hướng đánh giá mình cao hơn bình thường.
Thông thường, khi mới bắt đầu tiếp xúc một lĩnh vực nào đó, một người có kiến thức chung chung ở một ngành bất kỳ có thể cảm nhận được sự ưu việt của bản thân khi so sánh, đánh giá với người không biết tí gì. Nhưng càng tìm hiểu sâu, các vấn đề mâu thuẫn trong lĩnh vực đấy sẽ khiến cá nhân trở nên dè chừng hơn hẳn trước mỗi phát biểu của mình. Chẳng hạn, người người nhà nhà có thể nói về chuyến giải cứu hang Tham Luang (Thái Lan, 2018) như những chuyên gia giải cứu hàng đầu trong khi người trong cuộc lại hết sức cẩn trọng trong việc đánh giá tình hình.
Điều này tạo ra một nghịch lý mà Lão Tử trong Đạo Đức kinh có nhắc: Người biết thì không nói mà người nói lại không biết (“Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri” – 知者不言,言者不知). Hay như Darwin (1876) đồng tình bằng nhận định: sự ngu ngốc dẫn đến tự tin nhiều hơn là kiến thức. Các kết luận giao nhau ở những thời kỳ khác nhau khiến chúng ta hiểu rằng: những chuyên gia biết nhiều nhất, tự tin nhất về kiến thức họ có sẽ thừa nhận sự phức tạp của vấn đề thay vì nói về nó chắc như đinh đóng cột. Thứ ta nhận được sau khi giao tiếp với người thông minh hơn, chắc chắn đấy là sự hoài nghi chứ không phải một sự mạch lạc quá mức và có phần phi lý.
Tất nhiên, hoài nghi cũng có this có that, các nền tảng xã hội bây giờ cho phép mở rộng các chủ đề theo mọi hướng không phân biệt nội dung, mục đích, vai trò hay độ chính xác. Vì thế mà chúng ta có các nhóm nghi ngờ trái đất hình cầu, nghi ngờ kết quả bầu cử, nghi ngờ 5g gây tự kỷ, tai biến hoặc nghi ngờ năng lực của các chuyên gia (aka những người sẽ dành cả đời để đặt dấu hỏi về những điều đã biết). Khi sự hoài nghi cộng hưởng với trí tuệ nhân tạo, một phòng vang khổng lồ được cá nhân hóa sẽ phát triển để mỗi cá thể cảm giác như mình là chuyên gia ở đa lĩnh vực, được tung hô bởi những người xa lạ và được trao đổi cùng những “chuyên gia” khác có cùng quan điểm.
Vậy chẳng lẽ chúng ta bị nguyền trong cái giếng của chính mình?
Rõ ràng là không! Thông qua một vài nguyên tắc căn bản, cái giếng của chúng ta có thể được mở rộng giới hạn của chính nó nếu ta cho phép điều đó xảy ra:
– Mặt trời không sáng mãi, ngày cũng phải đến đêm, vậy giới hạn hiểu biết của ta trong một lĩnh vực nào đó nó nằm ở đâu? Khi nào ta biết cùng là 1 vạch nhưng 1 vạch wifi sẽ khác 1 vạch ở que thử thai vậy.
– Khi nào những điều mà ta biết là sai? Như ta được học, nước bình thường sôi ở 100 độ, nhưng rõ ràng ở độ cao 8.848m, chỉ cần 73.5 độ là nước sôi rồi, vậy 100 độ sôi không phải chân lý.
– Trong mọi khả năng có thể xảy ra, khả năng đơn giản nhất là khả năng dễ xuất hiện nhất, vậy nó là gì và ta có thể chấp nhận được điều đó không?
Nếu bạn nhận thấy rằng mình đang kháng cự một thông tin nào đấy mãnh liệt, đấy là điều tốt, cho thấy rằng bạn đang hết sức cân nhắc tính khả thi của hiện tượng ấy. Cũng giống như khi chúng ta miêu tả về ấm no cho người Morocco, về cát cho người Eskimo hay về sự nô dịch tư tưởng cho người dùng Internet, có thể tất cả đều sẽ vấp phải một sự phản kháng mạnh mẽ cho đến khi được chấp nhận hoàn toàn. Nếu không có sự phản kháng nào, ý tưởng sẽ chỉ được chấp nhận hời hợt, tầm phào hoặc chế cháo lại như truyện cổ địa phương, mỗi vùng kể 1 kiểu.
Thuyết giảng dưới tư cách chuyên gia đặt bạn vào tình thế lưỡng nan: 1 mặt, bạn đưa ra những thông tin chính xác dưới sự kiểm chứng của bạn, 1 mặt khác, bạn hướng người đọc nghi ngờ giới hạn của những thông tin ấy và tự tìm giải đáp cho chính họ. Không có cách nào để khẳng định chắc chắn rằng ý kiến của mình đưa ra là hoàn toàn đúng, nhưng có thể, với rất nhiều sự ý thức và cẩn trọng, mỗi người trong chúng ta sẽ có đủ khả năng tránh những cái bẫy nhận thức mà chính ta giăng ra để tiến xa hơn trong việc nhận ra thế giới.
Với mình, không gian bơi hiển nhiên sẽ rộng rãi hơn nếu mỗi ngày mình cố gắng nong cái giếng của mình rộng ra 1 chút.
Để lại một bình luận