
Cảm nhận về thời gian là một trải nghiệm không phải ai cũng có, chính vì thế nên mới tồn tại chứng mù thời gian
Hãy hình dung một trường hợp hết sức điển hình của sự mù này như sau:
Bạn cần phải đến 1 nơi nào đó vào 9h sáng.
Bạn ước tính thời gian di chuyển có 10 phút thôi, đồng hồ đang báo 8h45 phút, bạn biết đường tắt nên có khi chỉ cần 5 phút đã đến nơi. Nhiệm vụ di chuyển lúc này chỉ có lấy chìa khóa, ra ngoài đóng cửa và đi đến điểm hẹn.
Bạn rút điện thoại ra kiểm tra bản đồ và bất ngờ thấy 1 vài thông báo từ vài phút trước.
Bạn tặc lưỡi, kiểm tra hết đống thông báo này chắc chỉ 30 giây thôi, bạn tua thật nhanh để xem những thông báo ấy và trả lời 1 vài tin cần thiết. Việc sử dụng điện thoại khiến bạn nhớ ra mình cần mang theo sạc, ô nhưng mà sạc lại để trong nhà wc và bạn nhớ ra mình cần phải đi vệ sinh bây giờ. Đi vệ sinh xong rửa tay lại nhớ ra cần mang bình nước theo. Uống nước qua bình có thể làm nhòe son nên bạn quay lại phòng ngủ mang theo tẩy trang môi và 1 cây son để dặm lại sau giờ ăn trưa.
Bạn ngước mắt nhìn lên đồng hồ và BÙM! 9h30
Với những người bình thường, rất dễ ước lượng 5 phút trôi qua, 10 phút trôi qua và cần làm 1 việc trong bao lâu với những nhiệm vụ đính kèm. Nhưng với người bị mù thời gian, vì họ chưa làm được việc đầu tiên mà họ dự tính trong đầu, với họ là 0 phút đã trôi qua. Họ không cảm nhận được có gì đó sai sai khi làm một loạt nhiệm vụ nhỏ đi kèm mà thời gian không trôi 1 chút nào cả. Nếu ai đó hỏi 1 người mù thời gian ước tính họ vừa mất bao lâu làm hết hoạt động trên, họ sẽ nói tầm 1-2 phút đã trôi qua.
Hệ quả của chứng mù thời gian là khiến mọi đầu việc luôn trong trạng thái dở dang và chờ để thực hiện vì chúng chỉ có khởi đầu chứ hiếm khi được kết thúc trọn vẹn. Ưu điểm duy nhất của người mù có lẽ vì thiếu cảm giác thời gian đang trôi đi mà họ hiếm khi đeo đồng hồ hay kiểm tra bây giờ là mấy giờ, chính vì thế mà cũng ít căng thẳng khi chạy deadline hơn so với người thường.
Để lại một bình luận