Ai nên làm nhà tâm lý trị liệu?

Sắp đến giai đoạn hướng nghiệp quan trọng và câu hỏi mọi năm mình luôn được nhận sẽ là: liệu có nên học để trở thành psychotherapist? Ai với những phẩm chất nào nên học ngành này nhất? Ngắn gọn: không ai cả, không ai nên theo ngành này bởi thời kỳ hoàng kim nhất của ngành đã kết thúc ít nhất 40 năm trước và những người bước tiếp trên con đường này chỉ đơn thuần là những đứa con lạc lối bị bỏ rơi bởi chính xã hội mà thôi.

Những năm tháng đẹp nhất của ngành tâm lý trị liệu, hay còn được biết đến dưới tên Golden Age of psychotherapy, diễn ra từ năm 1940 đến 1970. Đây là thời kỳ sản sinh cực kỳ nhiều cái tên lớn được xem như cây đa, cây đề giúp đặt những nền móng quan trọng giúp phát triển cơ sở lý luận cũng như kỹ thuật có tầm ảnh hưởng đến tận thời điểm hiện đại.

Đặc điểm chung của 30 năm hoàng kim chính là sự phân rã, mâu thuẫn, đối chọi liên tục của những lực khác nhau với quy mô toàn cầu nhằm vẽ lại bản đồ thế giới. Người sống ở giai đoạn đó có thể cảm nhận được cơn đau là một thực thể nuốt trọn tinh thần và hủy hoại đời sống lớn đến mức nào. Nếu ngoại cảnh không thể bình yên, luôn bị đe dọa thì chí ít tinh thần cũng cần được nương tựa vào đâu đó để con người có lý do tiếp tục tồn tại, vượt ra ngoài khỏi khuôn khổ của mất mát và đau thương.

Khi các cuộc chiến qua đi, con người tập trung vào xây dựng cuộc sống mang màu sắc hưởng thụ nhiều hơn, những năm 1980 đánh dấu thời kỳ thoái trào của tâm lý trị liệu và chuyển hướng cơ sở lý luận thành những phương pháp chạy Kpi tinh thần tính theo quy chuẩn thời gian giới hạn. Cuộc chạy đua vũ trang trong kỹ thuật trị liệu thực tế là chạy đua về mặt thời gian trị liệu, càng ngắn, càng nhanh thấy tiến triển thì càng ít hữu ích về mặt thực tế. Nhưng chẳng hề gì, hết vấn đề này sẽ nảy sinh vấn đề khác, và người được can thiệp cứ liên tục đi can thiệp ngắn hạn để cảm nhận mình được làm mới thường xuyên.

Đến những năm 2000, ngành tâm lý trị liệu gần như rời bỏ đứa con cưng của mình để chuyển hẳn việc dành nguồn lực cho một đứa con mới mang tên tâm lý học kinh tế hành vi: mọi hoạt động, yếu tố tâm lý giúp phát triển hành vi kinh tế. Những người cần can thiệp tính đến thời điểm hiện tại có thể dễ dàng thoát ra khỏi trạng thái bất thường bằng một kênh truyền thông mang đậm màu giải trí. Khi những đứa trẻ bị chia tách khỏi gia đình, những người trưởng thành bị bỏ lại cô đơn với vấn đề của mình hay những người lớn tuổi không còn theo kịp cách thế giới này vận hành nữa, việc duy nhất có ý nghĩa “chữa lành” mà họ có thể làm chính là tự thuật lại về mình với tư cách là một kênh truyền thông, một phương tiện giải trí hoặc đồng cảm tức thời cho những người khác rồi sẽ sớm quay trở lại trạng thái bị lãng quên hoặc nhạt nhòa trong hàng ngàn, hàng triệu kênh giải trí khác.

Trị liệu hay can thiệp gì đó, không khác gì một hình thức xóa bỏ đi sự đặc biệt duy nhất còn giúp cá nhân phân biệt giữa họ và những người khác? Ai lại muốn trở nên nhạt nhòa và bình thường, ai muốn bị đứng ngoài các trào lưu hay xu hướng đang hiện diện bây giờ? Kênh đang kiếm được xèng tự dưng bình thường thì mất 1 nguồn thu? Hoạt động trị liệu bỗng nhiên trở nên thừa trong con mắt đại chúng, trừ một số lượng nhỏ cực kỳ hãn hữu nhận ra mình cần một sự bình yên nhiều hơn là biến những vấn đề mình đang có trở thành phương tiện mua vui cho ai đó.

Ngành tâm lý tại Việt Nam mỗi năm đào tạo ra hàng ngàn cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ đủ loại nhưng tất cả sẽ sớm nhận ra việc ở vị trí nào trong ngành tính đến giờ sẽ không còn quá quan trọng nữa. Khi xu hướng công việc ở điểm thoái trào, mọi sự giãy dụa đầu tư vào ngành đều sẽ sớm vận hành theo mô hình kim tự tháp Ponzi, người đến sau trả tiền cho người ở trước để được trao cho những bộ giá trị, công cụ vốn đã lỗi thời.

Vậy nên, con đường trở thành một nhà tâm lý trị liệu nếu chọn từ bây giờ sẽ thành câu chuyện của tương lai sau gần chục năm nữa, trừ khi ai đó có thể đảm bảo bản thân sở hữu một nguồn lực khổng lồ hỗ trợ sau lưng, trong đại đa số các trường hợp, câu hỏi kiểu này không phù hợp để đặt vào thực tại nữa rồi.


Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Thông tin tác giả


Tìm kiếm


Danh mục