Tất cả mọi điều tôi biết trong khi hành nghề hay trong giao tiếp với mọi người mà không nên để lộ ra ngoài, tôi sẽ giữ bí mật và sẽ không bao giờ tiết lộ.
Lời thề Hippocrates
✥ Nói về bản thân dưới tư cách nhà trị liệu: một nan đề
Có một số nghề thường không bao giờ được tùy tiện giới thiệu một cách công khai: Người quản lý quỹ cá nhân, tình báo, an ninh, luật sư, quản gia cao cấp, người điều tra thị trường, bác sỹ pháp y… Mình luôn nghĩ rằng, tâm lý và đặc biệt là tâm lý lâm sàng, cũng được xem là một trường hợp như vậy.
Yêu cầu một nhà tâm lý tự thuật về bản thân là một đòi hỏi kỳ lạ. Với hiểu biết khiêm tốn mình có, tất cả những người thầy, những ông tổ, những trụ cột lớn nhất trong ngành này đều hiếm khi nói về bản thân họ. Về mặt lý thuyết, nếu công việc của những người giỏi nhất chỉ gồm 2 phần chính: lắng nghe – phân tích, sẽ gần như không có chỗ nào để họ có thể tự thuật về chính mình dưới góc nhìn của chính họ.
Trong đại đa số các phần tự thuật, mọi người luôn tìm cách gây ấn tượng với nhau bằng bằng cấp, chứng chỉ, số năm kinh nghiệm hoặc những cột mốc mang tính dời non lấp biển ít người làm được. Tuy nhiên, đối với riêng lĩnh vực tâm lý lâm sàng, mọi người thường chia sẻ những câu chuyện thể hiện quan điểm trị liệu, phương pháp tiếp cận, sự hợp lý khi phân tích và hình thành giả thuyết để người nghe có thể dễ dàng hình dung con người họ đang giao tiếp là ai.
Ở phần tiếp theo, mình lựa chọn tự giới thiệu bản thân thông qua một câu chuyện như vậy.
✥ Sự khởi sinh của con người
Alan Watts (1915-1973), một triết gia người Mỹ nổi tiếng với khả năng diễn giải triết lý Phương Đông cho Phương Tây đương đại, người có khả năng viết hay những điều tưởng chừng như không thể viết được, đã từng kể câu chuyện này một lần trong cuốn sách: “Biết ta đích thực là ai” (1966). Đối với ông, những câu hỏi quan trọng như: “Thế giới từ đâu mà ra?”, “Vì sao Chúa tạo ra thế giới?”, “Con ở đâu khi chưa sinh ra”, “Người ta sẽ đi về đâu sau khi chết”, “Hạnh Phúc là gì?”, “Tại sao có người tốt, người xấu?”… Nên được trả lời dưới góc nhìn thần thoại bởi hết lần này đến lần khác, những đứa trẻ đều thể hiện sự hài lòng khi nghe câu chuyện đơn giản và hết sức xa xưa, đại khái như sau:
“Thế giới không có điểm bắt đầu, vì nó cứ quay vòng, quay vòng, như trên một đường tròn, mà đường tròn thì không có điểm nào là điểm khởi đầu cả. Hãy nhìn chiếc đồng hồ mà xem, nó chỉ thời gian; kim đồng hồ quay theo vòng tròn, và thế giới này cũng tự lặp đi lặp lại như vậy. Nhưng giống chiếc kim giờ chỉ đến số 12 rồi vòng xuống số 6, luôn phải có ngày và đêm, thức rồi ngủ, sống và chết, hè và đông. Ta không thể có bất kỳ thứ gì trong đó mà không kèm theo đối trọng của nó, bởi lẽ ta sẽ chẳng thể nào biết đen là gì trừ phi đã thấy đen cạnh trắng, hay trắng là gì trì phi thấy trắng cạnh đen.
Tương tự như vậy, thế giới khi có, khi không, vì nếu cứ tiến mãi về phía trước không ngừng nghỉ, nó sẽ tự phát chán. Nó đến rồi đi. Lúc này ta thấy nó; lúc khác lại không. Vậy là, vì không thấy nhàm chán, thế giới sẽ luôn trở lại sau một thời gian biến mất. Cũng như hơi thở của chúng ta; hít vào rồi thở ra, nếu có nín thở ta sẽ thấy rất kinh khủng. Hoặc cũng như trò chơi trốn tìm, luôn rất vui khi tìm được chỗ trốn mới và đi tìm ai đó không ngừng thay đổi chỗ trốn của họ.
Thượng Đế cũng thích chơi trốn tìm, nhưng Ngài chẳng có ai khác ngoài chính mình để chơi. Ngài vượt qua trở ngại này bằng cách vờ như không phải là mình. Đây là cách Ngài đi trốn chính mình. Ngài đóng vai ta và các con, là hết thảy mọi người trong vũ trụ, là muông thú, cỏ cây, đất đá và tất cả những vì sao. Bằng cách đó, Ngài có những cuộc phiêu lưu kỳ thú, đôi lúc thật khủng khiếp và kinh hoàng. Nhưng những cuộc phiêu lưu đó chỉ như cơn ác mộng, vì khi Ngài tỉnh giấc, chúng sẽ biến mất.
Vậy là, khi Thượng Đế đi trốn rồi đóng vai ta và các con, Ngài chơi tài đến mức phải rất lâu sau Ngài mới nhớ ra Ngài đã giấu mình ở đâu và ra sao. Nhưng đó mới là cái thú của trò chơi – là điều mà Ngài muốn làm. Ngài không muốn tìm thấy mình quá nhanh, vì như vậy sẽ làm hỏng cuộc chơi, cũng vì thế mà chúng ta rất khó nhận ra rằng mình là Thượng Đế giả trang đang vờ như không phải là chính Ngài. Nhưng khi trò chơi kéo dài đủ lâu, tất cả chúng ta sẽ tỉnh giấc, không đóng kịch nữa, và nhớ rằng chúng ta hết thảy đều là một Ngã duy nhất – Thượng Đế toàn thể và bất tử.
Dĩ nhiên, ta phải nhớ rằng Thượng Đế không có hình hài như con người. Con người có da và bao giờ cũng tồn tại thứ gì đó bên ngoài da thịt chúng ta. Nếu không, ta chẳng thể nào phân biệt được bên trong và bên ngoài thân thể. Nhưng Thượng Đế không có da cũng như hình thù, vì chẳng có gì bên ngoài Ngài cả. [Với một đứa trẻ thông minh, Alan sẽ minh họa bằng vòng Mobius – dải giấy xoắn được dán 2 đầu với nhau, chỉ có 1 mặt và 1 biên]
Bên trong và bên ngoài Thượng Đế là một. Và mặc dù ta đang nói về Thượng Đế như là “đàn ông”, thực ra Thượng Đế không phải là đàn ông, cũng chẳng phải là đàn bà. Ta không dùng từ “nó” vì từ “nó” hay được dùng để chỉ những vật vô tri.
Thượng Đế là Ngã của thế giới, nhưng chúng ta không thể thấy Thượng Đế bởi cùng 1 lý do, nếu không có tấm gương ta không thể nào nhìn thấy được mắt mình, và dĩ nhiên ta không thể nào cắn vào răng chính mình hay nhìn vào trong đầu mình. Ngã của chúng ta được ẩn đi khôn khéo đến vậy bởi đó là Thượng Đế đang trốn.
Ta có thể thắc mắc tại sao có lúc Thượng Đế lẩn trốn dưới dạng kẻ ác, hay đóng vai những người chịu bệnh tật và đau đớn khủng khiếp. Hãy nhớ, trước hết, là Ngài không làm vậy cho ai khác ngoài chính Ngài. Và cũng nên nhớ rằng, trong hầu hết những câu chuyện chúng ta yêu thích đều phải có kẻ thiện lẫn kẻ ác, vì cái ly kỳ của câu chuyện là xem kẻ thiện sẽ chiến thắng cái ác ra sao. Điều này tương tự như khi ta chơi bài. Khi bắt đầu một ván, ta tráo các quân bài thành một mớ lộn xộn, tựa như những điều xấu xa nhất ở đời, nhưng mấu chốt của trò chơi là sắp xếp đống lộn xộn thành một trật tự tốt đẹp, và ai làm giỏi nhất sẽ là người thắng cuộc. Thế rồi ta tráo bài một lần nữa và chơi lại từ đầu, thế giới này cũng diễn tiến như vậy”.
✥ Những dạo khúc chưa bắt đầu
Là một nhà lâm sàng, mình luôn có sự đồng cảm sâu sắc với góc nhìn của Alan Watts: mỗi cá nhân đều đang trong một trò chơi kiếm tìm chính mình kéo dài vô tận để đến một ngày có thể biết được đích thực bản thân mình là ai. Sân chơi của một người có thể rất rộng, bằng cả thế giới hiện hữu; hoặc rất hẹp, chỉ quanh không gian làm việc, sinh hoạt bình thường. Dù thế nào, kích cỡ của quy mô sân không làm cản trở hay tước đi niềm vui mà người tham gia có được. Tuy nhiên, để có thể vượt qua các thử thách, trở ngại để có thể dấn thân đến cái đích tận cùng của trò chơi, không phải ai cũng có đủ can đảm, nghị lực và sức mạnh để làm điều đó.
Chính vì vậy, website này được lập ra như một trạm dừng để dù bạn và mình chưa từng gặp nhau một lần trong đời, mình vẫn có thể tiếp sức cho bạn trong một quãng đường ngắn. Tại nơi này, những thanh âm cùng cung bậc khác nhau diễn ra trong cuộc đời của bạn sẽ được lắng nghe và cũng là để chuẩn bị cho những khúc dạo đầu đang tới.
Quãng đường chúng mình gắn bó với nhau có thể ngắn, nhưng cũng đủ để lại lời chúc bạn sẽ chiến thắng những cuộc chiến mà các bạn không kể với ai bao giờ.
Mình mong các bạn vui thú trong cuộc chơi của chính mình!
Và quan trọng hơn cả:
Hãy sống!
✥ 1 vài dòng ngắn gọn về mình
2015 – nay: Mình tốt nghiệp Thạc Sỹ tại Toulouse Jean Jaurès vào 2015. Sau đó, với những kinh nghiệm giảng dạy và công tác tại các phòng khám chuyên khoa, mình đã triển khai dịch vụ Bespoke Therapy cho những cá nhân ưu tú thuộc tầng lớp tinh hoa.
Từ 2024: Mình ngẫu nhiên được bạn tìm thấy và tin tưởng trên 1 quãng đường đời.
Khi trải nghiệm và sự phục hồi của bạn được đặt cao hơn lối mòn truyền thống.
“Anh có cảm thấy mình còn sống không, Will?” – Trong một không gian ảm đạm có phần bí bức, bác sỹ tâm thần giả tưởng Hannibal Lecter đặt câu hỏi cho bệnh nhân của mình là Will Graham.
Phim ảnh, báo chí cũng như các phương tiện truyền thông luôn đặt hình ảnh trị liệu vào một cái hộp, nơi có 4 bức tường, những bằng cấp, sơ đồ tâm trí – cơ thể người được dán khắp nơi… như một phương thức duy nhất để khơi gợi cảm giác về sự phục hồi của một cá nhân. Phương thức can thiệp trị liệu kiểu truyền thống coi con người như những cỗ máy bị hỏng, cần được đưa vào xưởng, được mổ xẻ, cắt gọt hoặc can thiệp theo một quy trình chuẩn, sẵn có, áp dụng hàng loạt bất chấp sự khác biệt, độc đáo mà mỗi cá nhân sở hữu. Ở trong cái hộp, cá nhân không hơn gì chính những vấn đề mà cá nhân ấy sở hữu và sự sống không có gì ngoài sự hiện diện của chính cá nhân có thể quan sát được bằng mắt thường thay vì đi vào cảm nhận cụ thể.
Đối với trị liệu tâm lý cá nhân hóa (Bespoke Therapy), bối cảnh miêu tả ở trên chính xác là sự tương phản gần như tuyệt đối khi yếu tố con người được đặt lên cao hơn tất cả những yếu tố khác. Cốt lõi của phương pháp tiếp cận này nhắm đến đặc điểm riêng biệt mà từng cá nhân đã mang theo bên mình từ khi xuất hiện dưới ánh mặt trời: sở thích, thói quen, các đặc điểm tính cách, nghệ thuật, hoàn cảnh cũng như cách thức, tốc độ phục hồi. Giống như cửa tiệm kim hoàn TrollBeads Anh Quốc hoặc dịch vụ chế tác cá nhân hóa của Hermès, sẽ không có 2 con đường phục hồi nào giống hệt nhau. Vì tính chất phức tạp cũng như tỉ mỉ của phương thức tiếp cận này, Bespoke Therapy chắc chắn là dịch vụ chỉ dành cho một bộ phận rất nhỏ trong số những cá nhân hiếm hoi ưu tiên sự phục hồi tinh thần của mình ở mức cao nhất.
✥ Những cột trụ của địa đàng
Vào ngày 1 tháng 4 năm 1995, kính thiên văn Hubble lần đầu tiên chụp được 1 tấm ảnh về những cột khí và bụi liên sao trong Tinh Vân Đại Bàng (Eagle Nebula). Hiện tượng này xuất hiện bởi quá trình hình thành những ngôi sao mới giao thoa với ánh sáng từ những ngôi sao mới được tạo thành, các nhà thiên văn gọi chúng dưới tên: Trụ cột của Sáng tạo.
Về mặt ý nghĩa, việc đặt tên này hiển nhiên xuất phát từ những ngôi đền cổ của đế chế Hy Lạp và La Mã cổ đại, khi một chiếc cột được dựng lên, chúng được kỳ vọng sẽ luôn có thể chống đỡ toàn bộ sức nặng của thế giới vật chất – tinh thần trên đó. Dưới một hình hài đơn giản và khiêm nhường, đấng Sáng Tạo chủ ý thiết kế để sự hiện diện của chúng trường tồn cùng thời gian.
Các yếu tố từ Trụ cột Sáng tạo cũng chính xác là những đặc tính cốt lõi của Bespoke Therapy: chúng là khởi đầu đơn giản cho những sự hiện diện độc đáo, đơn nhất phát triển sau đó. Khi bạn bắt tay xây dựng thế giới nội tâm của mình, sự sáng tạo sẽ đến ngay sau khi bạn đặt cho mình những nguyên tắc nhất quán và cam kết với những nguyên tắc ấy. Nhưng làm sao để phát hiện nguyên tắc nào phù hợp với bạn còn nguyên tắc nào sẽ chống lại bạn? Nó là câu chuyện mà nhà trị liệu cùng thân chủ sẽ cùng nhau phối hợp để tìm ra.
Tương tự như những cột trụ từ Eagle Nebula, nguyên tắc can thiệp cũng như tiến trình can thiệp của bạn không được tạo tác cứng nhắc bằng đá hay gỗ, chúng mang tính linh hoạt và phụ thuộc rất nhiều vào tình huống hiện tại mà bạn đang đối mặt. Bạn không đi trị liệu chỉ đơn giản là để thoát khỏi sự dày vò của triệu chứng, trái lại, thông qua trị liệu, bạn nhìn nhận vấn đề của bản thân tách biệt hoàn toàn so với con người của bạn. Trị liệu như một bước đầu để bạn công nhận những điểm độc đáo của nhân cách, cá nhân cũng cần được trân trọng như bất kỳ điều gì thuộc về bạn.
Trị liệu, như một chiếc hộp cát đơn giản để bạn có thể dựng lên những chiếc cột của vườn địa đàng cho riêng mình.
✥ Cơ chế của sự thay đổi
David Elmore Smith, một trong những cá nhân hiếm hoi từng xuất hiện 2 lần trong talkshow nổi tiếng Dr Phil. Lần đầu tiên vào năm 2014, David truyền cảm hứng của mình đến hàng triệu người khi chứng minh một người có thể giảm hơn 180kg (400 pounds) trong khoảng 2 năm. Thậm chí, sự xuất sắc, kỷ luật của David đã tạo ấn tượng về một siêu nhân khi giảm 45kg trong 3 tháng đầu, như một viên gạch đầu tiên xây nên tượng đài của một huấn luyện viên cá nhân nổi tiếng. Sự xuất hiện của David lúc đó như một lời tuyên bố: Tôi từng sở hữu số cân nặng hơn cả nhà bạn cộng lại, nếu tôi có thể giảm được cân thì lý do của bạn là gì?
Lần thứ 2 David xuất hiện trong chương trình là vào 2020, nhưng lúc này, anh mang một câu chuyện trái ngược lại với lần trước đó. Chứng nghiện ăn và các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần đã kéo số cân của David tăng vọt, vượt bất kỳ ngưỡng nào từng đạt trước đấy. Với 297 kg (656 pounds), David không chỉ đối mặt với gout, tiểu đường, các bệnh tim mạch, xương khớp mà còn với cả vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần dai dẳng.
Với ví dụ của David, các nhà lâm sàng hiểu rằng không phải cứ nói về những điều hợp lý, hợp logic hoặc chạm vào đến tâm can của người được trị liệu thì sẽ dẫn đến sự thay đổi. Trên thực tế, đa phần những trường hợp cực đoan được báo chí nhắc tên luôn xuất hiện cùng cụm từ: mọi thứ đều ổn, tình hình đang khá dần lên, ở nhà cháu nó ngoan lắm, cháu thân thiện, dễ mến, không gây sự với ai bao giờ… Tất cả những cụm từ này chỉ ngầm ám chỉ rằng, ngay cả trong những trường hợp tâm lý phức tạp và hỗn độn, người mang các triệu chứng vẫn biết cách che giấu khỏi tầm mắt của những người xung quanh, thể hiện sự hợp tác hoặc chấp thuận không chút phản kháng nào.
Để một liệu pháp trở nên khác biệt với những lời nói thông thường, có khả năng thay đổi, cải thiện các triệu chứng, điều trị hội chứng, cần có rất nhiều yếu tố đi kèm: mức độ ưu tiên về thời gian, tính khả thi, tính nhất quán, khả năng thực thi từ kinh nghiệm lâm sàng, đáp ứng tần suất – số lần gặp và tính đặc hiệu. Tuy nhiên, trên thực tế, trị liệu tâm lý là một quá trình can thiệp phức tạp khi phải tương tác với nhiều yếu tố bất thường không thể kiểm soát. Với những mô hình can thiệp đơn giản mang tính nhân quả như đề xuất ăn nhiều rau, ngủ đúng giờ, tập thể dục đều đặn… sẽ rất khó để đáp ứng những nhu cầu cải thiện tinh thần cụ thể.
Đi đến tận cùng, dù là cá nhân hay người làm lâm sàng, chỉ có 1 câu hỏi khó cần trả lời: Điều gì khiến cho một người quyết định thay đổi và trở nên lành mạnh, thay vì tiếp tục duy trì những rối loạn mà mình đang có. Ở đây, có 2 yếu tố được quan tâm hơn cả:
Vậy thì, sẽ rất bình thường nếu có một cá nhân quen với việc tách kẹo bằng thể thao, vận động; 1 vài bé gái sẽ cần tách bằng âm nhạc, trò chơi; 1 vài bé trai sẽ hiệu quả khi giao bài tập về nhà. Câu hỏi của nhà trị liệu là cố gắng tìm hiểu xem đứa trẻ nào phù hợp với liệu pháp nào, nhưng điều này lại chỉ có thể được áp dụng trong một môi trường linh hoạt với các phương thức khác nhau hướng đến 1 mục tiêu không đổi. Trong trường hợp một đứa trẻ cần cai đường mà thiếu đáp ứng trị liệu, nhà trị liệu cổ điển có thể nhún vai cho rằng: cháu nó không hợp tác thay vì cân nhắc xem xét 2 yếu tố thay đổi được nhắc đến ở trên.
✥ Khi tầng lớp siêu giàu cũng quyết định đi trị liệu
Khi Britney Spears, công chúa nhạc Pop của thế hệ 8x-9x, bắt đầu quá trình nổi loạn của mình bằng hành động cạo trọc đầu và tấn công xe của nhóm phóng viên vào năm 2007, sự kiện ấy như báo hiệu cho một chuỗi đau khổ đến từ những rối loạn tinh thần kéo dài đến tận thời điểm hiện tại.
Năm 2008, Britney chính thức bị đặt dưới sự giám hộ của cha ruột, ông Jamie Spears với lý do bảo vệ sức khỏe tinh thần và tài chính cho Britney. Quyền giám hộ của ông Jamie kéo dài 13 năm với rất nhiều hoạt động can thiệp, trị liệu mang tính cưỡng ép mà mỗi tháng có thể tốn chi phí tới 60.000 USD. Về mặt hiệu quả, sự can thiệp đóng khung kiểu Britney khiến cho tinh thần của cô bị mắc kẹt trong vô vàn những phiên can thiệp cưỡng bức, bị kê đơn quá mức và bị xâm phạm quá nhiều quyền riêng tư mặc dù cha cô cùng những người quản lý quyền giám hộ cho rằng việc can thiệp là hoạt động cơ bản, cần thiết cho Britney.
Britney không phải là trường hợp duy nhất trong tầng lớp siêu giàu, nổi tiếng duy nhất tìm kiếm sự giúp đỡ từ nhà trị liệu. Có một số cái tên đã từng xuất hiện trên truyền thông nhắc đến tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần cũng như những khó khăn trong đời sống thường nhật: Elon Musk với việc sử dụng Ketamine để can thiệp trầm cảm, Brad Pitt cũng dành nhiều năm để xử lý trầm cảm, Emma Stone bắt đầu đi trị liệu để chiến đấu với lo âu từ năm 7 tuổi,… và những cái tên cùng vấn đề của nhóm thiểu số này mỗi năm lại được làm mới, bổ sung thêm. Rối loạn tinh thần có thể là giống nhau, nhưng tính thời điểm và sự tỉ mỉ khiến cho sự khó khăn trong tinh thần của tầng lớp đại chúng hiếm khi được chăm sóc kịp thời, kỹ lưỡng giống như cách mà tầng lớp thượng lưu được tiếp cận.
Cách đây 10 năm, Clay Cockrell – một nhà trị liệu theo phương pháp Walk and Talk Therapy (vừa đi bộ vừa trị liệu) đã tính 1 phiên làm việc giá 450$ tại New York. Mức phí này là cực kỳ thấp so với những đồng nghiệp cung cấp dịch vụ tương tự khi chi phí trị liệu cá nhân hóa khởi điểm ở mức 1000$/ 45 phút, tuần 3 buổi tại những địa điểm nằm ngoài tầm mắt của người thường.
Khi một khách hàng có những nhu cầu đặc biệt, những dịch vụ thông thường sẽ không còn phù hợp nữa. Bạn muốn được chăm sóc lúc nửa đêm, bạn muốn can thiệp trên du thuyền, bạn muốn nhâm nhi một ly Tequila Ley 925 trong lúc đang kể về những vấn đề của mình trong một không gian rộng tối thiểu 1000m2, hoặc bạn muốn ra một nước khác chỉ cho việc trị liệu… chắc chắn chỉ có 1 nhóm nhỏ, rất nhỏ nhà trị liệu mới có thể đáp ứng những nhu cầu dạng này.
Sự riêng tư, kín đáo, bảo mật và linh hoạt sẽ là tiêu chí không chỉ dành cho nhóm siêu giàu mà còn cho cả người thân, con cái, vợ chồng, thậm chí cả chó mèo của nhóm này. Nghề siêu gia sư, một công việc mới nổi tại Trung Quốc, có mức thu nhập trung bình khoảng 60 ngàn Nhân Dân Tệ/ tháng (tương đương 210 triệu VND). Chưa phải là nhà trị liệu, gia sư kiểu này phải chăm sóc đứa trẻ theo cách hết sức tỉ mỉ: chuẩn bị cho những cuộc thi tài năng, học cùng, làm bài tập cùng, chú ý đến phản ứng – cảm xúc của trẻ trong những tình huống nhất định… Để làm được như vậy, gia sư cần được đào tạo đặc biệt, có 2-3 ngoại ngữ, có năng khiếu thể thao, nhạc cụ, khiêu vũ, cập nhật đều thông tin liên quan đến xã hội – văn hóa – giáo dục không để bản thân tụt hậu.
Vậy nên, sự phân hóa hay cách biệt cho những dịch vụ trị liệu, chăm sóc đặc biệt được cá nhân hóa vốn bản chất không nằm ở sự phân biệt đối xử, mà nhằm để cố gắng đáp ứng những nhu cầu được chăm sóc vốn rất đa dạng và khác biệt ở từng người. Có lẽ, được sống như một con người mới là trọng tâm trong câu hỏi của Dr Hannibal dành cho Will thay vì chỉ nói đến sự tồn tại như một sinh vật trong hành tinh này. Như cách Britney đòi quyền được tự do sau 13 năm giám sát, hoặc như cách David đã từng chiến đấu, từng thành công, thất bại và tiếp tục chiến đấu mỗi ngày.
Còn bạn thì sao, bạn cảm nhận được mình đang sống chứ?