4 nguyên tắc đưa ra lựa chọn hoàn hảo trong lúc phân vân

Ngắn gọn: trong một thế giới luôn biến động, phương án quen thuộc chính là phương án có nhiều rủi ro hơn.

Một quyết định đơn giản liên quan đến những điều có thể dễ dàng sửa chữa, những thứ chúng ta chọn lại hoặc bỏ qua không thành vấn đề: vị kem yêu thích, màu tất hôm nay, bài hát đang được phát ngẫu nhiên trên playlist. Những quyết định nhẹ nhàng không bao giờ mang tính cực đoan, khiến ta phải đặt những câu hỏi về bản chất con người mình hoặc phải vượt qua những cảm xúc cực mạnh mà cá nhân chưa từng ngày nào ước bản thân phải đối diện.

Một quyết định phức tạp, trái lại, sẽ luôn có yếu tố đổi đời (life-changing) tồn tại bên trong. Chẳng hạn khi làm mẹ, những quyết định nhỏ nhưng quan trọng như có nên cho con dưới 3 tuổi hút trân châu trong trà sữa không có thể đem lại trải nghiệm về sự hối hận cực kỳ sâu sắc.

Chúng ta đối diện với những quyết định mỗi ngày, đơn giản – phức tạp, hời hợt – sâu sắc, nhẹ nhàng – căng thẳng… đan xen chằng chịt lên nhau. Chúng ta muốn lựa chọn thật chuẩn, đặc biệt là trong những tình huống bản thân phân vân để tránh cảm giác hối hận theo đuổi trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, điều đấy không hề đơn giản chút nào bởi sẽ luôn có trở lực tinh thần ngăn cản ta làm điều đó. Hãy cùng xem 2 yếu tố thường gặp nhất cản trở việc ra quyết định như sau:

[Hệ thống niềm tin chồng chéo không thống nhất]

Con người là sinh vật tồn tại dựa trên rất nhiều niềm tin được đặt chồng chéo, lộn xộn và không thống nhất với nhau. Chẳng hạn, với một người phụ nữ, những niềm tin xã hội đặt lên vai trò nữ giới là lộn xộn: phụ nữ nên là một người mẹ tốt, nhưng là một người mẹ tốt đòi hỏi phải hy sinh thời gian cá nhân rất nhiều, điều này lại mâu thuẫn trực tiếp với việc một phụ nữ độc lập sẽ luôn ưu tiên mình lên trước. Chỉ cần 2 hệ thống niềm tin ngẫu nhiên đặt cạnh nhau đã gây trạng thái đối lập, suy kiệt tinh thần nghiêm trọng chứ chưa nói đến một chuỗi những hệ thống vận hành ngầm ẩn như: đạo đức, gia đình, tự trọng, trách nhiệm, tham vọng hay yêu thương.

Việc phải đối diện với một lựa chọn bất kỳ cũng đồng nghĩa là cuộc thăm dò vùng xám giữa các hệ thống niềm tin phải có một đích đến. Sẽ rất đơn giản nếu ta biết mình đi đến đâu, nhưng thường chuyện này không xảy ra. Thứ mà cá nhân cảm nhận được trên chuyến hành trình này là khi lựa chọn luôn sẽ có sự hối tiếc, mất mát, những cơn đau dai dẳng, sự lo lắng, sợ hãi liệu mình có lựa chọn chính xác dựa trên niềm tin A thay vì niềm tìn B hay không?

Điều này liên kết mật thiết đến yếu tố thứ 2:

[Đưa ra lựa chọn là một hành động tự đối diện với điểm yếu cá nhân]

Quyết định khó khăn sẽ không thực sự là vấn đề nếu tất cả mọi người đều có khả năng tự tha thứ cho bản thân cực nhanh. Điều này không thực tế, việc tự tha thứ hay tha thứ cho bất kỳ ai, bất kỳ điều gì là một siêu năng lực chỉ rất hiếm người có được. Những khoảnh khắc chúng ta tự nhắc nhở về việc mình yếu đuối, sai lầm và ngốc nghếch sẽ ùa ra bất chợt vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày: khi chúng ta đang lơ mơ, lúc đi tắm, khi đi trên đường, lúc lơ đãng chuẩn bị chìm vào giấc ngủ.

Lựa chọn đúng trở thành một áp lực bắt buộc nếu chúng ta muốn yên ổn và thanh thản để ăn ngon, ngủ ngon hay nói cách khác là tìm được một điểm cân bằng trong tâm trí khi đưa ra quyết định thì bất kỳ kết quả nào cũng không ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của chúng ta quá nhiều.

Rất nhiều người vật vã cho đến khi lìa đời không rõ liệu nếu lựa chọn khác đi thì cuộc đời của họ có thay đổi không? Mình không có câu trả lời rõ ràng cho điều này vì quyết định/kết quả còn phụ thuộc vào góc nhìn. Tuy nhiên, mình có thể chia sẻ 4 nguyên tắc mà mình hay dùng trong can thiệp nhận thức để giúp việc đưa ra quyết định của các bạn chính xác hơn:

1. Hãy theo đuổi quyết định phù hợp nhất, đừng theo đuổi quyết định tốt nhất

Tốt nhất hiếm khi là lựa chọn bạn cần: Điện thoại tốt nhất trong tầm giá thừa những chức năng bạn không sử dụng. Người bạn đời tốt nhất trong tầm với thiếu hụt hẳn yếu tố tình cảm cần thiết để duy trì mối quan hệ. Chiếc xe tốt nhất trong tầm tiền hiếm khi bộc lộ được cá tính con người bạn.

Hầu hết mọi người sợ đưa ra quyết định phù hợp nhất khi so với lựa chọn tốt nhất vì một cảm giác bản thân thất bại. Nếu bạn không chọn được thứ tốt nhất, nghĩa là năng lực của bạn chỉ dừng ở mức trung bình. Tệ hơn, bạn sẽ càng ngày càng trì hoãn việc đưa ra quyết định vì bạn cũng không hình dung nổi đâu là quyết định tốt nhất?

Trong những tình huống khó khăn, chỉ nên lựa chọn những quyết định phù hợp nhất mà bối cảnh cung cấp cho bạn, dựa trên hiểu biết cá nhân của bạn về chính mình. Hãy dành lựa chọn tốt nhất cho những lúc bạn hoàn toàn chắc chắn về phương án này thay vì xem đó là lựa chọn bắt buộc.

2. Chia nhỏ những lựa chọn của bạn ra thành những phần khác nhau

Việc chia nhỏ quyết định lớn thành 1 chuỗi các quyết định nhỏ có ý nghĩa trong việc định hình chi tiết một bức tranh tổng thể vốn mơ hồ. Ngay lập tức đưa ra quyết định có thể khiến bạn ngộp thở, nhưng gỡ từng phần ra để đánh giá sẽ khiến bạn hiểu rõ hơn tại sao điều bạn đang làm lại có ý nghĩa đến vậy.

Chẳng hạn: quyết định nhảy việc có thể để lại sau lưng rất nhiều hối tiếc và hồ nghi vào tương lai. Đúng hay sai sẽ không quan trọng bằng lượng thông tin chính xác bạn có: bạn liên lạc thử với cơ quan mới, bạn nói chuyện thử với đồng nghiệp đã nghỉ, bạn tự đánh giá bản thân thông qua những buổi phỏng vấn ngẫu nhiên… việc chia nhỏ quyết định bằng việc khoanh vùng thông tin chính xác sẽ giúp quyết định sau cùng đối mặt với ít rủi ro hơn.

3. Luôn ý thức bạn đang sử dụng hệ thống niềm tin nào để đưa ra quyết định

Niềm tin mang tính chất dễ thay đổi và linh hoạt, đồng nghĩa với việc bạn hoàn toàn có quyền chọn một hệ thống đáp ứng nhu cầu của bạn theo từng hoạt cảnh khác nhau. Miễn là bạn ý thức về việc mình đang sử dụng niềm tin nào, những phần còn lại sẽ dễ dàng trở nên nhất quán hơn.

Một ví dụ cơ bản: nếu bạn tin rằng bản thân nên được đối xử công bằng và bình đẳng, niềm tin này áp dụng gần như mọi nơi mọi lúc trừ một số trường hợp như lúc bạn đang xếp hàng đổ xăng. Tự dưng bạn bị chen ngang và hệ thống niềm tin ban đầu của bạn bị lung lay. Bạn cần 1 hệ thống khác để hành xử trơn tru, ở những nơi công cộng, hãy cố gắng mất thật ít thời gian thôi. Đôi co sẽ gây mất nhiều thời gian hơn gây thiệt hại nhiều lần cho bạn. Tất nhiên bạn vẫn sẽ ấm ức, nhưng bạn có mục đích, tiêu chí hành xử khác hẳn so với việc tuân theo niềm tin ban đầu.

Hoặc một ví dụ khác dễ hiểu hơn: bạn luôn ý thức mình là số 1, nhưng hãy trừ lúc đi khám, không ai muốn bản thân mình lại là người ốm nhất bệnh viện cả. Hãy luôn nhớ rằng bất kỳ niềm tin nào của bạn cũng nên có giới hạn, kể cả việc đứng đầu.

4. Giả định về cách ra quyết định của người khác

Bạn có thể quá chú tâm vào tình huống buộc phải lựa chọn khiến cho quyết định của bạn rối rắm, phức tạp hơn bình thường. Khi một quyết định dựa trên tiến trình suy nghĩ còn nhiều bước hơn cả chương trình làm giàu Uranium thì khả năng quyết định ấy sai sẽ cao hơn bình thường. Và kể cả đúng, bạn cũng sẽ cần một lượng lớn tài nguyên để quản lý sau đó.

Hãy thử một thứ dễ hơn để lựa chọn chính xác hơn: hình dung bạn là một người khác (thầy giáo của bạn, đối tác của bạn, một nhà kinh doanh, một người lão luyện) sẽ đưa ra quyết định thế nào nếu họ trong trường hợp của bạn. Bạn muốn mua một căn nhà mới chỉ vì cái nhà cũ bị bám vôi canxi ở chậu rửa mặt, vô tình bạn biết tỉ phú siêu giàu nhà kế bên, với tổng tài sản đến x nghìn tỷ, người hay đi một đôi giày há mõm vừa mới chuyển đến để đi xe bus cho gần. Dĩ nhiên góc nhìn về căn nhà bạn chuẩn bị chuyển sẽ có thêm nhiều góc nhìn đáng giá.

Những quyết định sẽ luôn tìm đến bạn kể cả khi bạn có sử dụng toàn bộ sức lực để né, thì bản thân việc né tránh cũng đã là 1 quyết định rồi. Bằng việc coi mỗi lần ra quyết định là một lần bản thân được học hỏi, nâng cấp năng lực cá nhân cũng như phát triển tinh thần ở mức cao hơn, bạn sẽ dần học được cách né dần phương pháp ra quyết định truyền thống là tìm quyết định tốt nhất để thay thế dần bằng những quyết định tối ưu.

Như mình biết, viết loằng ngoằng thế này không phải quyết định tốt nhất để câu tương tác, nhưng lại là quyết định phù hợp nhất để hỗ trợ những người đã quyết tâm đọc đến dòng này, chỉ vậy là đủ .


Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Thông tin tác giả


Tìm kiếm


Danh mục